Viện Pasteur TP.HCM: “Cho học sinh đến trường sẽ an toàn hơn”

Theo ý kiến của Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, với diễn biến phức tạp dịch Covid-19, học sinh đến trường sẽ an toàn hơn là ở nhà.

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 chiều 25/2, Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất các mốc thời gian cho học sinh trở lại trường trong tháng 3.

Học sinh không cần đeo khẩu trang ở trường

Tại cuộc họp, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho rằng học sinh đến trường không nhất thiết phải đeo khẩu trang.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trường hợp bắt buộc phải đeo khẩu trang là người nhiễm bệnh, người chăm sóc, tiếp xúc bệnh nhân và khi đến nơi công cộng. Các nhà khoa học cần thông tin cho phụ huynh hiểu.

“Thống kê các ca bệnh vừa qua cho thấy số người nhiễm Covid-19 dưới 10 tuổi chiếm 1%, từ 10 đến 20 tuổi là 1%. Trên thế giới, ngoại trừ Trung Quốc, đến nay, 2 học sinh bị nhiễm Covid-19 ở Nhật Bản. Trường hợp này cũng không phải lây lan trong trường học. Như vậy, chúng ta chưa thấy sự lây nhiễm trong trường học”, ông Lân cho hay.

Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM đánh giá tỷ lệ ca nhiễm trong độ tuổi đi học 2% là thấp, nhưng nhiều người lo ngại rằng trường đông trẻ em, nếu bị lây nhiễm sẽ lan ra cộng đồng. Tuy nhiên, hệ thống giám sát y tế hiện hoạt động rất tốt. Việc phát hiện ca nhiễm trong trường học cũng rất đầy đủ, bài bản. Trường hợp nào có yếu tố dịch tễ, sốt, ho đều được kiểm tra và cách ly.

Theo Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, đa số bệnh nhân nhiễm Covid-19 do có sự giao lưu, đi lại nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người. Tác nhân lây bệnh có khả năng từ hội nghị, đi lại tàu xe… Học sinh nếu đến trường, chịu sự giám sát của thầy cô, nên khả năng sẽ an toàn hơn.

“Giữa việc để các em ở nhà và cho đến trường, cá nhân tôi thấy đến trường an toàn hơn”, ông Lân nêu ý kiến.

Theo ông, việc quyết định thời điểm nào cho học sinh trở lại trường phải dựa trên yếu tố đánh giá dịch tễ. Với tình hình dịch bệnh thay đổi mỗi ngày, có thể đến cuối tuần này, thành phố mới quyết định.

Không thể kéo dài thời gian nghỉ của học sinh lớp 12

Báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP.HCM, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết tính đến cùng ngày, tổng số nhà giáo, học sinh và người thân đi qua Hàn Quốc, Trung Quốc và vùng có dịch là 786 người.

Ngoài ra, quận 7 có 3 trường quốc tế với các cấp học từ mầm non đến phổ thông. Một trường Hàn Quốc có 1.905 học sinh, trường Nhật Bản có 663 học sinh và trường Đài Loan (Trung Quốc) có 1.223 học sinh.

Ông Lê Hồng Sơn cho biết 100% các trường trên địa bàn đã hoàn tất công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng và sẽ thực hiện lại một lần nữa trong tuần tới.

Các đơn vị cơ sở đảm bảo trang thiết bị cho việc phòng chống dịch. 100% trường học đã trang bị máy đo thân nhiệt. Ngay ngày đầu tiên đi học trở (theo quyết định của lãnh đạo thành phố), các trường sẽ dành thời gian để rà soát, hướng dẫn, thực hành phòng chống dịch.

Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng Bộ GD&ĐT đã có điều chỉnh về khung kế hoạch thời gian năm học, về cơ bản bù đắp được khoảng thời gian học sinh nghỉ gần một tháng. Do thời gian thi THPT quốc gia đã được ấn định, không thể tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ của học sinh lớp 12.

“Học sinh cuối cấp và các lớp khác có thể đi học theo từng thời điểm trước khi học tập trung toàn bộ, như vậy sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm, giúp các trường rà soát, thực hành và có kịch bản ứng phó thực tế về công tác phòng chống dịch và cũng giúp phụ huynh an tâm hơn khi đưa con em quay lại học tập theo lộ trình”, ông Sơn nói.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT TP.HCM chỉ ra một hệ quả của việc nghỉ học kéo dài. Đó là học sinh tại các trường quốc tế, trung tâm ngoại ngữ đăng ký tham gia một số chứng chỉ, kỳ thi quốc tế được tổ chức theo lịch chung toàn thế giới như SAT, IB, Cambridge… gặp khó khăn.

Nguồn: Trường Cao Đẳng Dược Hà Nội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *