Lịch sử hình thành Trường Đại học từ thời Pháp ở Sài Gòn
Trải qua nhiều lần sáp nhập từ các lớp Cao đẳng dự bị với những biến cố thăng trầm của lịch sử, hiện trường đã phát triển và trở thành Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
- Khám phá các nước trên thế giới khai giảng như thế nào?
- Thước phim quay trở về quá khứ của các trường học trên thế giới
- Lịch sử phát triển trường nghề và cao đẳng thời Pháp thuộc
Đại học Văn khoa trong ngày đầu thành lập. Ảnh tư liệu Đại học Văn khoa.
Đầu thập niên 50 của thế kỷ 20, do tình hình chính trị phức tạp, Pháp bỏ tên Đại học Đông Dương, tập hợp các trường Y khoa, Luật và Khoa học thành Viện Đại học hỗn hợp Việt – Pháp. Viện trưởng là một người Pháp, viện phó là người Việt. Họ còn mở thêm chi nhánh ở Sài Gòn với một số lớp đại học và cao đẳng dự bị, do nhu cầu theo bậc đại học ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ phát triển mạnh.
>>> Xem thêm: Văn bằng 2 Cao đẳng Dược tại Yên Bái
Ngôi trường trên nền cũ của thành lũy, đồn binh
Lớp Cao đẳng dự bị Văn chương Pháp mở ra nhằm giúp thanh niên người Việt và Pháp chuẩn bị điều kiện cần thiết để tiếp tục theo học đại học ở Pháp, do ông Nguyễn Thiệu Lâu làm Tổng thư ký.
Lớp Văn chương Pháp phát triển thành Ban dự bị Văn khoa Pháp năm 1955 rồi trở thành Cao đẳng dự bị Văn khoa Pháp. Lúc này, lớp phải mượn tạm lớp học của trường Kỹ nghệ thực hành ở đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) để học vào buổi tối.
Khi lớp học dời về trường Pétrus Ký thì sinh viên được học vào ban ngày. Cao đẳng dự bị Văn khoa Pháp sau đó sáp nhập với Đại học Văn khoa từ Hà Nội chuyển vào trở thành Đại học Văn khoa, trực thuộc Viện Đại học Quốc gia Việt Nam (tức Viện Đại học hỗn hợp Việt – Pháp từ Hà Nội chuyển vào, sau đó được chuyển giao cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam). Trụ sở trường ở góc đường Nguyễn Trung Trực và Gia Long, nơi diễn ra lễ khai giảng đầu tiên năm 1957.
Muốn theo học ở Đại học Văn khoa, ứng viên phải có bằng tú tài toàn phần Việt Nam hoặc bằng tú tài ở nước ngoài. Đến năm học tiếp theo 1958-1959, ứng viên phải có bằng tú tài văn chương. Khi nhập học, sinh viên phải qua một năm dự bị và suốt quá trình học ở trường, họ không phải đóng học phí. Sau khi trúng tuyển kỳ thi cuối năm dự bị, sinh viên học tiếp các chứng chỉ cử nhân.
Mỗi năm học, sinh viên được ghi tên học tối đa hai chứng chỉ cử nhân và có thể dự thính những chứng chỉ khác với tư cách bàng thính viên (ngồi nghe, không được coi là chính thức). Có 16 chứng chỉ cử nhân Đại học Văn khoa đào tạo trong năm học đầu tiên gồm: Văn chương Việt Nam, Hán học cổ kim, Hán học kim văn, Văn chương Pháp, Ngữ học Pháp, Văn chương và văn minh Anh, Ngữ học Anh, Sử Việt Nam, Tâm lý học…
Từ năm 1964, Đại học Văn khoa dời về đường Cường Để (đường Đinh Tiên Hoàng ngày nay) trong khuôn viên thành Cộng Hòa cũ. Đây vốn là doanh trại quân sự khép kín, được Pháp cho xây kiên cố bằng bêtông cốt thép từ năm 1870 theo phong cách kiến trúc pháo đài phòng thủ.
Tại đây, các chàng trai cô gái Văn khoa được sống trong khung trời mơ mộng với ngôi trường cổ kính và những con đường rợp bóng cổ thụ. Sát bên trường Văn khoa là Thảo Cầm Viên như một khu rừng thu nhỏ giữa lòng thành phố và ngôi trường Trưng Vương với những nữ sinh duyên dáng mỗi buổi tan trường.
“Hỡi người tình Văn khoa, bóng người trên hè phố; Lá đổ để đưa đường, hỡi người tình Trưng Vương” là những câu hát trong bài Con đường tình ta đi của nhạc sĩ Phạm Duy đã trở nên quen thuộc với sinh viên Văn khoa ngày đó.
>>> Xem thêm: Liên thông Cao đẳng Dược tại Yên Bái
Một cuộc biểu tình của sinh viên Sài Gòn trước 1975. Ảnh tư liệu Đại học Văn khoa.
Khu “tam giác sắt” ở trung tâm Sài Gòn
Đại học Văn khoa là một trong những trung tâm của phong trào đấu tranh của sinh viên Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn trước 1975. Ngày 1/5/1957, sinh viên đại học này tổ chức xuống đường cùng hàng nghìn công nhân đưa yêu sách gồm 39 điều của Tổng liên đoàn lao động, trong đó điều cuối cùng đòi thống nhất đất nước bằng phương pháp hòa bình.
Trong năm đó, Ban Cán sự học sinh, sinh viên do Hồ Hảo Hớn chỉ đạo cử đại diện lên Nha Học chính, đòi mở thêm trường công, thực hiện chuyển ngữ ở đại học. Tiếp đó, phong trào đòi dùng tiếng Việt ở bậc đại học ra đời, lan rộng ra các trường đại học ở miền Nam.
Trước khi Mỹ đổ quân viễn chinh vào miền Nam Việt Nam, không khí chính trị ở đô thành Sài Gòn nóng dần lên, nhất là ở các đại học. Các giáo sư Nguyễn Đăng Thục, Tôn Thất Dương Kỵ, Nguyễn Văn Kiết, Nghiêm Thẩm… đứng ra cảnh báo tình hình nghiêm trọng của đất nước, giúp sinh viên có thêm động lực cho các hoạt động chống chiến tranh, đòi hòa bình, thống nhất.
Ở Sài Gòn khi đó hình thành một khu “tam giác sắt” ngay trung tâm thành phố, như một căn cứ địa do sinh viên làm chủ, trong đó Đại học Văn khoa là mũi nhọn. Giữa năm 1968, chính quyền Sài Gòn bao vây trụ sở Tổng hội sinh viên Sài Gòn ở số 4 đường Duy Tân và tuyên bố xóa sổ trụ sở.
Cuối năm đó, Tổng hội dời về trường Nông Lâm Súc. Từ đó, trường Nông Lâm Súc, Dược khoa và Văn khoa trên đường Cường Để tạo thành trung tâm của phong trào sinh viên Sài Gòn. Suốt những năm tháng ấy, hầu như ngày nào cũng có biểu tình, đấu tranh ở khu vực này và khu công trường trước Hạ viện cho đến ngày thống nhất đất nước.
Cùng với phong trào đấu tranh chống quân sự hóa học đường, sinh viên Văn khoa ngày ấy quyết liệt chống đàn áp học sinh, sinh viên. Họ cùng hàng nghìn sinh viên Sài Gòn đã thức trắng đêm 24/4/1970 để tang Việt kiều bị chính quyền Lon Nol khủng bố.
>>> Xem thêm: Tuyển sinh Văn bằng 2 Cao đẳng Điều dưỡng Yên Bái
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ngày nay. Ảnh: hcmussh.edu.vn
Năm 1976, Đại học Văn khoa và Đại học Khoa học từ Viện Đại học Sài Gòn được sáp nhập thành Đại học Tổng hợp TP HCM, chuyên đào tạo cán bộ nghiên cứu khoa học tự nhiên và xã hội, giảng viên giảng dạy khoa học cơ bản cho các trường trong khu vực.
Khi đó, trường có 16 khoa Toán, Vật lý, Hóa, Sinh, Địa lý, Địa chất, Ngữ văn, Lịch sử, Triết học, Kinh tế, Thư viện, Ngữ văn Anh, Ngữ văn Pháp, Ngữ văn Nga, Đông Phương học và bộ môn Luật.
20 năm sau đó, Đại học Tổng hợp được tách ra thành Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc hệ thống Đại học Quốc gia TP HCM.
Hiện, đại học này có hơn 20.000 người học, với hàng trăm học viên nước ngoài, trở thành trung tâm đào tạo nhân lực ngành khoa học xã hội và nhân văn lớn ở phía Nam.
Nguồn: vnexpress.net – Caodangyteyenbai.edu.vn